Có những ngôi làng giản dị mang tên làng Sen, làng Trù, quanh quanh ngõ nhỏ lũy tre xanh rì là bao nếp nhà tranh mộc mạc, thoảng hương sen, hương cau, hương đất nâu - nơi những vồng khoai, lạc... tươi ngọn vươn lên trong nắng sớm. Làng ấy, quê ấy bao năm nay dường như đã trở thành quê Chung, mà mỗi khi nhớ đến, lại hiện hữu êm ả mái tranh nghiêng bóng, vẳng câu dân ca đằm sâu cùng đồng bãi núi sông 🏞
Ngôi nhà của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ngôi nhà tranh giản dị, ẩn dưới bóng mát những hàng cau và biết bao cây lá xanh rì này là nơi mà vị Chủ tịch muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đã sống những năm tháng ấu thơ. Ảnh: Lê Thắng
Cách Thành phố Vinh khoảng 16km, làng Sen (Kim Liên) thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn là quê nội của Bác. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung ấy đã lớn lên tại làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trước khi ra đi tìm đường cứu nước, trở thành người thay đổi vận mệnh của dân tộc. Còn quê Bác - Làng Sen giờ đây đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất cả nước và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Gần thế kỷ trôi qua, không biết đã có bao nhiêu bước chân của những người con Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa từ trong tâm hồn mình.
Ngôi làng mang tên Làng Sen bởi luôn ngát hương sen mỗi độ tới mùa. Làng đẹp như một bức tranh yên bình, ngay từ trên đường dẫn vào nhà Bác, đôi bờ tre rì rào trong gió, hàng râm bụt đung đưa nhè nhẹ, hoa cau, hoa bưởi thơm nồng động lòng du khách.
Thời gian về thăm quê Bác - làng Sen
Bạn có thể đến làng Sen vào bất cứ thời điểm nào trong năm, mặc dù thời tiết Nghệ An nắng gay gắt khi vào hè nhưng nhiều du khách vẫn muốn về thăm quê Bác vào tháng 5, khi mà đầm sen nở rộ, tỏa hương thơm ngát, mang lại cảm giác dễ chịu xua tan đi cái oi bức, ngột ngạt lúc này ở miền Trung. Khi nghe tiếng ve ngân vang, ngắm nhìn những đóa hoa sen nở rực rỡ chúng ta như được sống lại với những ngày thơ ấu của vị cha già dân tộc Việt Nam.
Ngôi nhà của Bác
Sau lũy tre rợp bóng xanh mát là ngôi nhà 5 gian lợp mái tranh đơn sơ, giản dị của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác Hồ. Ngôi nhà được người dân làng Sen dựng lên mừng cụ Sắc đậu Phó bảng tại khoa thi hội năm Tân Sửu 1901.
Trước nhà có 2 sân nhỏ và 1 thửa vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt. Ngôi nhà được dựng bằng tre và gỗ, lợp mái tranh mộc mạc và đơn sơ. Nhà gồm 5 gian: Hai gian phía ngoài là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách- từng là chỗ đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh – người chị cả của Bác, hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của gia đình. Trong đó gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ để cụ Phó bảng nằm đọc sách, tới gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai phụ tử Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ ). Kế bên là nhà ngang sử dụng làm bếp.
Nhiều tài liệu lịch sử cho biết, năm 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, là một niềm vinh dự với gia đình, họ tộc và cả làng Sen. Nhân dân làng Sen đã dựng một ngôi nhà gỗ mái tranh 5 gian để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ. Ảnh: Lê Thắng
Cách không xa là nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như bao ngôi nhà khác ở làng Sen thuở ấy, ngôi nhà của cụ Nhậm kết cấu giản dị, khoảnh vườn nhỏ trồng cau và một số cây ăn quả, hoa màu... Ảnh: Lê Thắng
Nhà của cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà giản dị nhưng vô cùng đặc biệt bởi đây chính là nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời và sống trong 5 năm đầu tiên của thời thơ ấu. Ảnh: Lê Thắng
Lối vào nhà gia đình ông Hoàng Xuân Thục - láng giềng của nhà cụ Hoàng Xuân Đường ở làng Trù. Ảnh: Lê Thắng
Nguồn: Baonghean.vn